Ở bài viết trước mình đã trình bày Những quy tắc Westgard cơ bản dùng trong kiểm tra chất lượng xét nghiệm. Khi bạn áp dụng được đầy đủ các quy tắc này thì đã đảm bảo chất lượng xét nghiệm của đơn vị bạn rất tốt. Tuy nhiên nếu bạn muốn kiểm soát chất lượng xét nghiệm nghiêm ngặt và linh hoạt hơn bạn có thể áp dụng thêm 6 quy tắc mà mình sắp trình bày dưới đây.
Quy tắc 6x
Bị coi là vi phạm khi kết quả QC của 3 mức nồng độ khác nhau trong 2 lần liên tiếp nằm cùng một phía so với giá trị trung bình. Quy tắc này tương tự như quy tắc 10x nhưng có ưu điểm là phát hiện sai số sớm hơn quy tắc 10x. Quy tắc này áp dụng khi phòng xét nghiệm thực hiện QC ở 3 mức nồng độ khác nhau. Nguyên nhân dẫn đến vi phạm quy tắc này là do sai số hệ thống tương tự như quy tắc 10x.
Quy tắc 8x
Bị coi là vi phạm khi kết quả QC của 4 mức nồng độ khác nhau trong trong 2 lần liên tiếp cùng nằm về một phía so với giá trị trung bình. Quy tắc này cũng được phát triển từ quy tắc 10x và cao hơn quy tắc 6x. Quy tắc này áp dụng khi phòng xét nghiệm thực hiện QC ở 4 mức nồng độ khác nhau. Nguyên nhân vi phạm cũng là do các sai số hệ thống. Trên thực tế quy tắc này ít được áp dụng do ít khi chúng ta thực hiện QC ở 4 nồng độ mà thường chỉ làm 2 hoặc 3 nồng độ.
Quy tắc 9x.
Bị coi là vi phạm khi kết quả QC của 3 mức nồng độ khác nhau trong 3 lần liên tiếp nằm cùng về một phía so với giá trị trung bình. Quy tắc này cao hơn quy tắc 6x. Thực tế quy tắc này ít được áp dụng do qua 2 lần liên tiếp ta đã thấy nó vi phạm quy tắc 6x. Nguyên nhân vi phạm quy tắc cũng do sai số hệ thống.
Quy tắc 12x.
Quy tắc này có 2 tình huống xảy ra:
Tình huống 1:
Bị coi là vi phạm khi kết quả QC của 3 mức nồng độ khác nhau trong 4 lần liên tiếp nằm cùng về một phía so với giá trị trung bình. Quy tắc này áp dụng khi phòng xét nghiệm thực hiện QC 3 mức nồng độ khác nhau.
Tình huống 2:
Bị coi là vi phạm quy tắc khi kết quả QC của 4 mức nồng độ khác nhau trong 3 lần liên tiếp nằm cùng một phía so với giá trị trung bình. Quy tắc này áp dụng khi phòng xét nghiệm thực hiện QC ở 4 nồng độ khác nhau.
Tương tự như quy tắc 6x, 8x, 9x quy tắc 12x này cũng được phát triển từ quy tắc 10x. Tuy nhiên nó giúp các phòng xét nghiệm phát hiện nhanh các sai số hệ thống khi thực hiện 3 hoặc 4 mức nồng độ QC.
Quy tắc 31s
Quy tắc này có 2 tình huống xảy ra:
Tình huống 1:
Bị coi là vi phạm quy tắc này khi kết quả QC của cùng một mức nồng độ trong 3 lần liên tiếp nằm cùng về một phía so với giá trị trung bình và vượt quá giới hạn +1SD hoặc -1SD.
Tình huống 2:
Bị coi là vi phạm khi kết quả QC của 3 mức nồng độ khác nhau trong cùng một thời điểm nằm cùng về một phía và vượt quá giới hạn +1SD hoặc -1SD.
Nguyên nhân dẫn đến vi phạm cũng do sai số hệ thống.
Quy tắc 2/32s
Có 2 tình huống với quy tắc này:
Tình huống 1:
Bị coi là vi phạm khi 2 trong 3 kết quả QC của cùng một mức nồng độ trong 3 lần liên tiếp nằm cùng về một phía so với giá trị trung bình và vượt quá giới hạn +2SD hoặc -2SD.
Tình huống 2:
Bị coi là vi phạm khi 2 trên 3 kết quả QC của 3 mức nồng độ trong cùng một thời điểm nằm cùng về một phía so với giá trị trung bình đồng thời vượt quá giới hạn +2SD hoặc -2SD.
Trên đây mình đã trình bày về 6 quy tắc bổ sung của Westgard trong kiểm tra chất lượng xét nghiệm. Về cơ bản các quy tắc này đều được phát triển dựa trên các quy tắc cơ bản. Tuy nhiên nó có lợi thế hơn đó là giúp phòng xét nghiệm phát hiện sớm các sai số cũng như linh động hơn khi thực hiện đánh giá trên nhiều mức nồng độ QC trong cùng một thời điểm. Các nguyên nhân dẫn đến vi phạm các quy tắc này đều do các sai số hệ thống. Vì vậy nếu bạn thấy kết quả QC của mình vi phạm các quy tắc này thì nên:
– Kiểm tra lại hóa chất/ thuốc thử.
– Sai sót trong bảo quản các mẫu QC.
– Kiểm tra, đánh giá lại tình trạng thiết bị: Cuvet, bóng đèn, lịch trình bảo dưỡng, bảo trì…
– Điều kiện môi trường: Nhiệt độ, độ ẩm…
Sau khi đã kiểm tra và khắc phục các lỗi trên bạn tiến hành QC lại ngay hoặc Calibration sau đó QC lại một lần nữa. Nếu vẫn không được nên tham khảo ý kiến của các kỹ sư cung cấp thiết bị.
Mình nhắc lại là bạn không nhất thiết phải áp dụng các quy tắc này nghĩa là đây không phải là các quy tắc bắt buộc. Tuy nhiên nếu bạn muốn áp dụng để đánh giá nhanh kết quả QC hoặc kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng xét nghiệm của đơn vị mình thì nên áp dụng thêm một hoặc nhiều quy tắc trên.
Bài viết còn nhiều thiếu sót rất mong sự đóng góp của bạn đọc. Mọi ý kiến đóng góp, trao đổi vui lòng phản hồi tại đây. Nếu bạn thấy bài viết có ích hãy chia sẻ nó. Vui lòng ghi rõ nguồn chatluongxetnghiem.com khi đăng tải lại nội dung bài viết này.
Thông tin thêm: Trong bài viết chúng tôi có tham khảo và sử dụng một số nội dung trong sách của:
Trần Hữu Tâm (2012), Nội kiểm tra chất lượng xét nghiệm, NXB Y học, Thành phố Hồ Chí Minh.
Xin trân trọng cảm ơn tác giả.
Xin trân trọng cảm ơn tác giả.