7 lưu ý khi chuẩn bị mẫu nội kiểm (QC) cho các xét nghiệm định lượng

4.7/5 - (47 bình chọn)

Trong bài viết trước về các bước thực hiện nội kiểm tra chất lượng mình có nhắc tới bước chuẩn bị mẫu để phân tích. Đây là bước rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả nội kiểm, vì vậy trong bài viết này mình sẽ trình bày kỹ hơn về các lưu ý khi chuẩn bị mẫu nội kiểm.

Mẫu nội kiểm là vật liệu được sử dụng để phân tích các thông số trong nội kiểm tra chất lượng. Mẫu nội kiểm hay còn gọi là mẫu huyết thanh kiểm tra hay mẫu QC (Quanlity control). Mẫu có các đặc tính tương tự như bệnh phẩm. Mẫu nội kiểm (QC) thường có nguồn gốc từ huyết thanh người và có cho thêm chất bảo quản cũng như chất ổn định. Mẫu nội kiểm (QC) trong xét nghiệm định lượng sẽ biết trước nồng độ (thường là khoảng nồng độ). Mẫu nội kiểm (QC) thường có 3 mức nồng độ: Mức nồng độ trong khoảng giá trị bình thường, mức nồng độ cao và mức nồng độ thấp hơn giá trị bình thường. Mẫu nội kiểm (QC) có thể tự sản xuất hoặc mua thương mại. Theo mình thì nên mua thương mại vì nó đạt được các tiêu chuẩn quốc tế hơn nữa việc tự sản xuất mẫu nội kiểm (QC) đòi hỏi phòng xét nghiệm phải có nhiều thiết bị máy móc phức tạp. Hiện nay các mẫu này cũng không quá đắt, hoàn toàn phù hợp với điều kiện các phòng xét nghiệm từ tuyến huyện trở lên.

 

Mẫu nội kiểm (QC) mua thương mại hiện nay thường ở 2 dạng là dạng dung dịch lỏng và dạng đông khô. Với dạng lỏng có thể dùng ngay còn dạng đông khô cần hoàn nguyên trước khi sử dụng. Khi chuẩn bị mẫu nội kiểm (QC) các bạn cần lưu ý các điểm sau:

1. Đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất.

Đây là lưu ý đầu tiên khi mở nắp một lô vật liệu nội kiểm (QC) mới. Với mỗi lô vật liệu khác nhau sẽ có khoảng giá trị khác nhau. Về cách pha, bảo quản có thể vẫn như nhau nhưng hạn dùng và giá trị ấn định sẽ khác nhau. Vì vậy bạn cần đọc kỹ và nhập các giá trị này vào các hệ thống máy để xây dựng biểu đồ Levey-Jennings cho phù hợp. Đồng thời cũng cần lưu giữ các giấy tờ này ít nhất đến khi sử dụng hết vật liệu QC của lô đó.

2. Đảm bảo mẫu nằm ở đáy lọ trước khi mở nắp.

Trong quá trình vận chuyển hoặc bảo quản có thể mẫu sẽ không nằm ở phía đáy lọ mà nằm trên nắp lọ, khi đó nếu mở nắp rất dễ làm mất mẫu Vì vậy bạn cần đảm bảo toàn bộ mẫu phải nằm phía đáy lọ trước khi mở mẫu. Với mẫu dạng lỏng bạn để lọ thẳng đứng trong nhiệt độ phòng để mẫu tự chảy xuống hoặc vẩy nhẹ. Với mẫu dạng đông khô bạn có thể để lọ thẳng đứng gọ nhẹ vào đáy hoặc nắp lọ để mẫu rơi hết xuống đáy.
 

3. Mở nhẹ nhàng, từ từ tránh thất thoát mẫu.

Khi mở nắp mẫu (thường là nút cao su) bạn nên mở một cách nhẹ nhàng. Nếu bạn mở nhanh quá hoặc mạnh quá mẫu sẽ bị bắn ra ngoài (với mẫu lỏng) hoặc các chất bột sẽ văng ra ngoài do áp lực thay đổi đột ngột. Với mẫu dạng lỏng thì sự ảnh hưởng do mất mẫu là không quá lớn do nồng độ mẫu gần như là đồng đều nên có mất thì cũng chỉ làm mất lượng mẫu mà không thay đổi nồng độ vật liệu QC. Nhưng với mẫu dạng bột đông khô mất mẫu đồng nghĩa nồng độ chất QC sẽ giảm trong cả lọ. Sau khi mở nắp, nắp cần được ngửa lên và đặt trên một dụng cụ sạch vì có thể một lượng nhỏ vật liệu QC vẫn bám trên nắp, sau này ta sẽ lắp lại để trộn đều.

4. Hoàn nguyên mẫu đông khô 

Với các mẫu dạng đông khô ta cần phải hoàn nguyên trước khi sử dụng. Dung môi để hoàn nguyên có thể là nước cất hoặc dung dịch đi kèm. Nếu là nước cất bạn cần dùng nước cất tiêm hoặc nhất nhất là nước cất 2 lần để hoàn nguyên. Không dùng nước cất 1 lần hoặc nước RO để hoàn nguyên vì không tinh khiết và dễ nhiễm khuẩn gây hỏng mẫu. Lượng nước cất hoặc dung dịch hoàn nguyên bao nhiêu tùy thuộc vào yêu cầu của nhà sản xuất, bạn không được pha đặc hơn hoặc loãng hơn. Để hút nước cất hoặc dung dịch hoàn nguyên bạn phải dùng pipet có độ chính xác cao đồng thời đảm bảo số lần hút là ít nhất. Tốt nhất ta nên dùng các pipet bầu bằng thủy tinh loại A với đúng lượng thể tích cần pha để hút 1 lần. Do pipet này có độ sai số rất nhỏ nên phù hợp nhất.
 
Cách sử dụng loại pipet này bạn có thể tham khảo bài viết sau: Một số kinh nghiệm khi sử dụng pipet trong phòng xét nghiệm
 
Trong trường hợp không có pipet này bạn có thể dùng pipet bán tự động (Pipet man) hoặc pipet tự động để hút (lưu ý chọn pipet có sai số nhỏ nhất).
 
Khi thả nước hoặc dung dịch vào lọ nên chạm nhẹ vào thành của lọ, tránh chạm trực tiếp vào mẫu.
 

5. Trộn đều mẫu.

Sau khi hoàn nguyên mẫu đông khô bạn tiến hành trộn đầu mẫu bằng cách lăn mẫu nhẹ trong lòng bàn tay khoảng 2-3 phút sau đó để yên 10 phút rồi lại lăn mẫu lần 2 tương tự cho đến khi thấy dung dịch đồng nhất. Bạn có thể nghiêng nhẹ dể dung dịch chạm nắp kéo toàn bộ các bột còn bám trên nắp xuống.

6. Ổn định mẫu.

Mặc dù mẫu đã trộn đều nhưng mẫu cần được ổn định trở lại trước khi phân tích. Tùy theo yêu cầu của nhà sản xuất hoặc loại vật liệu QC mà thời gian chờ ổn định khác nhau, nhưng thông thường khoảng 30 phút. Để ổn định mẫu bạn chỉ cần để yên ở nhiệt độ phòng (chú ý tránh nơi có nguồn nhiệt cao hoặc ánh sáng chiếu trực tiếp). Sau 30 phút bạn lắc thật nhẹ nhàng một vài lần trước khi phân tích trên máy.
 
Với các mẫu QC đã pha từ trước và để đông đá trước khi phân tích bạn cần để tan đông ở nhiệt độ phòng trong ít nhất 1h, sau đó bạn trộn đều mẫu như trên trước khi đem phân tích.
 

7. Bảo quản mẫu QC sau pha.

Sau khi pha xong chỉ một lượng nhỏ được phân tích trên máy, một lượng lớn còn lại bạn nên chia vào các lọ hoặc ống nghiệm để phân tích cho các lần sau. Bạn có thể dùng các ồng nghiệm sạch, vô trùng, có nắp để đựng hoặc tốt hơn nếu có các lọ vô trùng tối màu. Bạn dùng pipet chia thành các lượng nhỏ vào trong các ống nghiệm (hoặc lọ) này rồi ghi loại vật liệu QC, số Lô, nồng độ, ngày pha, ngày hết hạn và người pha. Các mẫu này sẽ được lưu trữ ở < 0 độ C. Mỗi lần dùng bạn lấy 1 ổng nhỏ ra và chỉ dùng 1 lần sau khi đã rã đông.
 
 
Trên đây mình đã trình bày 7 lưu ý khi chuẩn bị các mẫu nội kiểm (QC) cho xét nghiệm định tính. Mặc dù các bước làm khá đơn giản nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến kết quả nội kiểm không chỉ của một ngày mà còn của cả Lô hóa chất đó. Hy vọng qua bài viết các bạn có thêm các kinh nghiệm khi pha vật liệu QC từ đó giúp ích cho công việc của mình. Bìa viết còn nhiều thiếu sót mong nhận được sự góp ý từ bạn đọc. Mọi ý kiến đóng góp vui lòng phản hồi tài đây hoặc liên hệ qua phần liên hệ.
Thông tin thêm: Trong bài viết chúng tôi có tham khảo và sử dụng một số nội dung trong sách của:
Trần Hữu Tâm (2012), Nội kiểm tra chất lượng xét nghiệm, NXB Y học, Thành phố Hồ Chí Minh.
Xin trân trọng cảm ơn tác giả.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.