1. Trang thiết bị
Một điều quan trọng là bạn phải chuẩn bị một khay hoặc một không gian có đầy đủ dụng cụ cần thiết cho việc lấy máu. Các dụng cụ cần thiết bao gồm: dây garo, ống nghiệm, phiếu chỉ định, cồn 70 độ hoặc cồn iod, bông gạc, miếng dán cầm máu, giá cắm ống nghiệm, hộp dựng giá ống nghiệm, hộp đựng rác. Tất cả đều phải sẵn có và sử dụng được ngay.
Việc lựa chọn loại kim với đường kính phù hợp sẽ giúp việc lấy máu dễ dàng hơn đồng thời cũng làm giảm sự khó chịu cho bệnh nhân. Kim đường kính 19-gauge (19G) hoặc 21G là thích hợp cho người lớn. Trẻ em nên dùng kim 23G (19G=1.1mm; 21G=0.8mm; 23G=0.6mm). Có thể lấy máu bằng kim có cánh (kim bướm). Một đầu của kim này nối với bơm tiêm hoặc ống chân không để lấy máu.
2. Ống nghiệm đựng máu
Các ống nghiệm để lấy máu toàn phần có sẵn trên thị trường với các chất chống đông như K2EDTA, K3EDTA hoặc Na2EDTA và có đánh dấu sẵn lượng máu cần cho vào (2ml, 3ml…). Một số loại ống khác thì có thể chứa Natri citrat, Hepain, ACD. Ngoài ra còn có các ống nghiệm không có chất chống đông khi cần lấy huyết thanh. Hiện nay không có sự thỏa thuận chung về màu sắc cho từng loại ống nghiệm với từng chất chống đông khác nhau. Vì vậy các nhân viên lấy mẫu cần quan sát kỹ và làm quen với màu sắc loại ống mà đơn vị mình đang dùng.
Với hệ thống lấy mẫu bằng chân không thì có một ống nghiệm chân không bằng thủy tinh hoặc nhựa, một kim và một bộ giữ kim. Ưu điểm của hệ thống lấy máu chân không này là nút bằng cao su, các kim hút mẫu trên các hệ thống máy có thể đâm xuyên qua mà không cần mở nắp. Hệ thống này cũng rất tốt khi phải lấy nhiều ống với nhiều loại chống đông khác nhau. Lượng chân không trong ống sẽ kiểm soát lấy đủ lượng máu vào trong ống theo đúng tỉ lệ chống đông đã quy định.
3. Quy trình lấy máu tĩnh mạch
– Các nhân viên thực hiện quy trình này phải được đào tạo đầy đủ. Phải kiểm tra và đối chiếu thông tin của bệnh nhân với thông tin trên phiếu chỉ định. Tất cả các thiết bị, dụng cụ, hóa chất cần thiết cho việc lấy máu phải được chuẩn bị đầy đủ.
– Nên buộc dây garo ngay phía trên vị trí lấy máu. Máu được lấy tốt nhất ở tĩnh mạch nếp nằn khuỷu tay hoặc các tĩnh mạch nhìn rõ khác của cẳng tay bằng một ống chân không hoặc bơm tiêm. Vị trí lấy máu cần được sát khuẩn bằng cồn 70 độ và để khô tự nhiên trước khi lấy máu. Dây garo nên được tháo ngay khi máu chảy vào bơm tiêm hoặc ống chân không. Sự chậm trễn trong việc tháo garo có thể làm thay đổi thành phần dịch do một sự ứ đọng máu xảy ra. Khi rút máu vào bơm tiêm nên rút một cách chậm chạp, không rút nhanh hơn tốc độ chảy của tĩnh mạch. Việc chống đông máu phải được thực hiện bằng cách đảo ngược ống nghiệm nhiêu lần. Nguy cơ tan máu của mẫu có thể được giảm thiểu bằng cách giảm đến mức tối thiểu thời gian buộc garo, rút máu cẩn thận, sử dụng kim có kích thước thích hợp, bơm máu từ từ vào ống nghiệm và lắc trộn máu nhẹ nhàng với chất chống đông. Lưu ý nếu lấy máu quá chậm hoặc trộn mẫu không kỹ có thể làm đông máu, chất lượng của ống máu không đạt. Sau khi lấy mẫu, nắp ống nghiệm cần phải được đóng chặt để tránh nguy cơ dò rỉ.
– Nếu việc lấy máu không thành công, việc quan trọng là hết sức giữ bình tĩnh, trao đổi với bệnh nhân và xem xét các nguyên nhân dẫn đến việc lấy máu không thành công. Những nguyên nhân gồm kỹ thuật kém (chọc kim xuyên qua mạch hoặc lấy mạch kém), sự hình thành sẹo, khối tụ máu.
– Sau khi lấy máu xong, nhẹ nhàng rút kim ra đồng thời ấn một miếng bông tiệt trùng lên vùng đam kim. Ấn nhẹ nhàng miếng bông trong một phút cho đến khi máu không chảy ra. Cuối cùng dán 1 miếng băng dính nhỏ (ago) phủ vết thương.
– Việc lấy máu qua kim luồn đặt mạch là một nguyên nhân gây lỗi quan trọng. Nguyên nhân là do có Heparin trong đường ống. Vì vậy cần loại bỏ Heparin và 5ml máu đầu tiên phải bỏ đi trước khi lấy máu làm xét nghiệm. Nếu đang truyền tĩnh mạch thì không nên lấy máu trên cánh tay đó. Tuy nhiên nếu điều này là cần thiết thì lấy phía dưới vị trí truyền (ví dụ đang truyền ở khuỷu tay thì lấy máu ở mu bàn tay).
4. Quy trình sau lấy máu
Diều quan trọng là mọi ống bệnh phẩm phải dược dán nhãn với đầy đủ thông tin của bệnh nhân . Các thông tin tối thiểu cần phải có bao gồm: Họ tên, khoa phòng, ngày tháng năm sinh, ngày và giờ lấy mẫu. Nhiều đơn vị đã sử dụng nhận dạng bệnh nhân tự động bằng cách sử dụng mã vạch được in trên cổ tay hoặc mắt cá chân đeo trên mỗi bệnh nhân. Nếu loại hệ thống này được sử dụng cả nhãn mẫu và phiếu yêu cầu phải được mã vạch với các dữ liệu giống nhau. Ống mẫu nên được đặt trong các hộp đựng ống nghiệm, tách riếng với phiếu chỉ định để tránh hiện tượng lây nhiễm. Mẫu nên được giữ ổn định đến khi vận chuyển đến phòng xét nghiệm.
5. Một số nguyên nhân gây ảnh hưởng kết quả do quá trình lấy mẫu
5.1. Trước quá trình lấy máu.
– Đi tiểu trong vòng 30 phút; Ăn hoặc uống trong vòng 2h.
– Hút thuốc
– Vận động cơ thể (kể cả đi bộ nhanh) trong vòng 20 phút.
– Stress
– Thuốc hoặc chế độ ăn kiêng trong vòng 8h.
5.2. Trong quá trình lấy máu.
– Các lần lấy khác nhau (sai số theo ngày).
– Tư thấy lấy mẫu: nằm, đứng hoặc ngồi.
– Sự cô đặc máu do thời gian garo kéo dài.
– Áp lực quá lớn khi rút máu vào bơm tiêm.
– Loại ống không đúng
– Máu mao mạch so với máu tĩnh mạch.
5.3. Sau quá trình lấy máu.
– Chất chống đông không đủ hoặc thừa.
– Không trộn máu với chất chống đông.
– Lỗi trong nhận dạng thông tin bệnh nhân và/hoặc mẫu.
– Điều kiện bảo quản mẫu
– Chậm trễ trong việc chuyển mẫu đến phòng xét nghiệm.
Nguồn tài liệu dịch và tham khảo: Dacie and Lewis, Practical Haematology, Twelfth edition 2017
Hiện chúng tôi có cung cấp các vật tư tiêu hao (kim lấy máu, ống chân không) cho hệ thống lấy máu chân không. Chi phí phù hợp cho giá xét nghiệm tại VN. Nếu bạn có nhu cầu triển khai hệ thống lấy máu chân không có thể liên hệ với chúng tôi để được cung cấp vật tư và hỗ trợ kỹ thuật.
Công ty TNHH Chất lượng xét nghiệm Y học: chatluongxetnghiem@gmail.com
Mr. Quang/ 0981.109.635 /nguyenvanquang.lab@gmail.com
Mr. Tuyến/ 0978.336.115 /0904.466.629 /tuyenlab@gmail.com